Liên đoàn Cờ Việt Nam (tiền thân là hội Cờ Tướng Việt Nam) được thành lập ngày 14/02/1965 tại Nhà khai trí kiến thức (nay là Trung tâm phương pháp Câu lạc bộ – 14 Lê Thái – Tổ Hà Nội) do bác sĩ Lê Đình Thám là Chủ tịch Uỷ ban hoà bình Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban hoà bình thế giới làm Hội trưởng. Trong hoàn cảnh chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Hội Cờ tướng Việt Nam đã tổ chức được 3 giải vô địch toàn miền Bắc và mời đoàn Cờ Tướng Trung Quốc sang thi đấu hữu nghị. Sau này, vì không đủ điều kiện nên chỉ tổ chức được những giải nhỏ ở Hà Nội. Năm 1975, Hội Cờ gần như không còn hoạt động, duy nhất chỉ còn ông Lê Uy Vệ, còn những người khác, người thì chuyển công tác, người thì nghỉ hưu nên đã giải thể. Tháng 8 năm 1976, Việt Nam nhận được thư mời tham dự cuộc thi đấu Cờ Vua tổ chức tại thành phố Tôvipôli (thủ đô Libi) do Liên đoàn Cờ của các nước Ả Rập tổ chức và Libi là nước đăng cai. Ở Việt Nam thời gian này, Cờ Vua chưa phát triển, chỉ có một số người chơi ở một vài thành phố. Với sự ghi nhận về tương lai phát triển môn Cờ Vua ở Việt Nam, Tổng cục TDTT đã cử một đoàn đến tham dự với tư cách là quan sát viên. Đại hội lần này có 44 nước tham gia với đủ các thành phần lứa tuổi nam, nữ, có VĐV nữ 13 – 14 tuổi, có vị là nghị sỹ quốc hội ở tuổi 60.
Năm 1978 Tổng cục TDTT đã ra chỉ thị số 73/CT để hướng dẫn phong trào Cờ Vua rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh.
Ngày 05/08/1980 Bộ Giáo dục đã ra văn bản số 1787/TDQS về việc chính thức đưa Cờ Vua vào giảng dạy trong các trường phổ thông, các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm và trường Đại học TDTT trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 15/12/1980, Hội Cờ được thành lập lại, lấy tên là Hội Cờ Việt Nam do ông Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục làm Hội trưởng. Trước bối cảnh mới, Hội đã mạnh dạn đưa môn Cờ Vua vào Việt Nam và thực tế đã chứng minh cho quyết định sáng suốt đó: Cờ Vua Việt Nam bước đầu đã phát triển sâu, rộng ở mọi đối tượng trong xã hội.
Nước ta có nhiều môn thể đang được phát triển, giờ đây lại được bổ sung thêm một môn thể thao mới thì hoạt động TDTT càng thêm phong phú, đa dạng. Cờ Vua góp phần đáng kể vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh của quần chúng nhân dân và góp phần xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10/1984, Hội Cờ Việt Nam chính thức là thành viên của Liên đoàn Cờ châu Á và năm 1988, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên của Liên đoàn Cờ Vua thế giới (FIDE). Cuối năm 1991, Hội Cờ tổ chức Đại hội toàn quốc lần II và đổi tên thành Liên đoàn Cờ Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng biên tập báo Nhân Dân làm Chủ tịch. Cũng từ Đại hội này, môn Cờ Tướng được đưa vào thi đấu. Như vậy, quá trình tồn tại và phát triển của Liên đoàn Cờ Việt Nam đã có một bề dày thời gian và lịch sử hào hùng, tuy bước hội nhập của môn Cờ vào làng Cờ khu vực và thế giới còn ngắn ngủi (Cờ Vua năm 1988, Cờ Tướng năm 1993), nhưng Liên đoàn Cờ Việt Nam đã đóng góp cho làng Cờ khu vực và thế giới 18 Kiện tướng FIDE, Kiện tướng quốc tế, và 2 Đại kiện tướng…
Hiện tại, Liên đoàn mới đưa thêm môn Cờ Vây vào Việt Nam, và đã tổ chức được một lớp HLV cho các địa phương. Bộ môn mới mẻ này bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Với những bối cảnh như vậy, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Liên đoàn Cờ Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 28/09/1997 và ông Nguyễn Minh Hiển – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam. Đại hội đã tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động đổi mới nhằm đẩy mạnh sự phát triển môn Cờ Vua, Cờ Tướng nước ta trong giai đoạn mới.
Sau 5 năm phát triển (1990 – 1995), đã có 20 ngành, địa phương xây dựng được phong trào ở môn thể thao này. Khi đó, có một số địa phương đã đưa môn Cờ Vua vào chương trình hoạt động của các trường và tổ chức đào tạo VĐV Cờ Vua ở một số trường năng khiếu TDTT cơ sở. Từ đó, Hội Cờ Việt Nam (sau này là Liên đoàn Cờ Việt Nam), tổ chức đều đặn giải vô địch toàn quốc hàng năm cho thanh thiếu niên, học sinh và người lớn. Năm 1980, tại giải vô địch toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội đã áp dụng luật thi đấu của FIDE và ở các tỉnh, thành đều có tổ chức thi đấu xếp hạng để tuyển chọn VĐV, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thi đấu cho nữ thanh niên. Những năm gần đây, phong trào Cờ Vua phát triển rất mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Nhiều nơi phong trào đã biểu hiện chiều sâu với hàng loạt trung tâm Cờ Vua được thành lập và tổ chức hoạt động như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Tháp…
Hàng năm, giải Cờ Vua cho các đối tượng được tổ chức rộng rãi. Đỉnh cao về qui mô phong trào là các giải Cờ Vua A1, A2, giải các đấu thủ mạnh, cũng như giải Cờ Vua cho học sinh, sinh viên được tổ chức định kỳ và đặc biệt giải Cờ Vua trong khuôn khổ Hội khỏe phù đổng II (1992), Hội khỏe phù đổng III (1996), mỗi giải đều có trên 500 VĐV nam nữ tham gia. Ngoài các giải trong nước, đội tuyển Cờ Vua quốc gia với các lứa tuổi đã được hình thành thông qua các giải toàn quốc. Các đội tuyển đó thường xuyên tham dự các giải thi đấu quốc tế và đã gặt hái được không ít những thành công: Đạt 4 huy chương vàng lứa tuổi từ 12 đến dưới 20 và được FIDE phong cấp Đại kiện tướng thế giới cho 2 VĐV, cùng với gần 20 VĐV khác đạt danh hiệu Kiện tướng thế giới, Kiện tướng FIDE. Gần đây nhất tại các giải vô địch Cờ Vua châu Á, giải trẻ thế giới, các VĐV Việt Nam một lần nữa lại chứng tỏ được khả năng và trình độ của mình trong môn thể thao này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét